Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định mới để điều chỉnh công tác quản lý và hoạt động đối với khu bảo tồn biển (KBTB). Trong đó đáng lưu ý là quy định về các hành vi bị cấm thực hiện trong KBTB, tên gọi của các phân khu chức năng, quy định liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Ban quản lý. Những quy định này đã có cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, tạo môi trường pháp lý tiến bộ, bình đẳng, dân chủ, công bằng đối với tất cả các đối tượng, các bên liên quan đến hoạt động bảo tồn biển.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; quản lý, bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích vùng biển tự nhiên quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhất quán với mục tiêu: Bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, “không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với an ninh môi trường”.
Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đề ra đối với lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường nói chung và lĩnh vực bảo tồn biển nói riêng cần có một chương trình hành động tổng thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 như sau:
Về thể chế, chính sách
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý bảo tồn biển đảm bảo tính tiến bộ, thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tế; tạo hành lang pháp lý minh bạch, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cho các KBTB phát triển bền vững.
Củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức của các BQL KBTB theo hướng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Xem xét quy định về quản lý nhà nước: các BQL KBTB thống nhất là đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính và chuyên môn; Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan Trung ương với địa phương về công tác quản lý bảo tồn biển.
Xây dựng trình Chính phủ ban hành chính sách đầu tư, phát triển hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam: hiện nay, Bộ NNPTNT đang được Chính phủ giao xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bổ sung nội dung đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu của KBTB bao gồm cả trang thiết bị phục vụ hoạt động của các khu bảo tồn biển. Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiến hành các thủ tục pháp lý để sớm triển khai hoạt động đầu tư xây dựng hạng mục hạ tầng thiết yếu cho các khu bảo tồn biển trên phạm vi cả nước.
Xây dựng phương án thu, sử dụng phí từ các hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển; xã hội hóa công tác bảo tồn nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho các KBTB hoạt động.
Xây dựng ban hành danh mục dịch vụ làm cơ sở để các khu bảo tồn biển thực hiện; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho việc cung cấp dịch vụ của BQL KBTB.
Xây dựng Kế hoạch quản lý KBTB; đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái trong KBTB theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Phấn đấu đến năm 2025, các khu bảo tồn biển có hoạt động du lịch sinh thái hiệu quả, đảm bảo một phần tài chính cho hoạt động bảo tồn.
Về công tác thành lập mới KBTB
Tập trung điều tra bổ sung, rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng, mở rộng diện tích các KBTB hiện có. Quy hoạch, thành lập mới các KBTB trên cơ sở nguồn dữ liệu từ kết quả điều tra thuộc Nhiệm vụ số 8, Đề án 47 và kết quả điều tra, khảo sát ĐDSH, nguồn lợi thủy sản của các địa phương. Mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 20 KBTB được thành lập và đi vào hoạt động, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên khoảng 1%; đến năm 2030, tối thiểu 30 KBTB được thành lập và đi vào hoạt động, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên khoảng 2,5%-3%. Ngoài mục tiêu về số lượng và diện tích các KBTB, cần đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, chất lượng hoạt động của các KBTB.
Chú trọng công tác bảo tồn hiệu quả ĐDSH, các hệ sinh thái biển; tiến tới phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ven biển.
Về tài chính
Cơ cấu nguồn vốn NSNN đầu tư cho bảo vệ, bảo tồn ĐDSH biển, phát triển hệ thống khu bảo tồn biển phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành Thủy sản, đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư giữa phát triển và bảo tồn.
Phối hợp, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án đầu tư để tránh chồng chéo, tăng hiệu quả. Các chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn biển cần giao cho một đầu mối chủ trì quản lý, tổ chức thực hiện là Sở NNPTNT, BQL KBTB, VQG có hợp phần biển.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý các nguồn tài chính đầu tư phát triển hệ thống khu bảo tồn biển giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Trung ương, địa phương; giữa các Bộ, ngành; giữa các Tổng cục, Vụ, Cục).
Xây dựng, ban hành quy định về lượng giá giá trị hệ sinh thái biển làm cơ sở cho các khu bảo tồn biển triển khai thu phí dịch vụ, tạo nguồn thu ổn định để phục vụ công tác bảo tồn.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học trong KBTB
Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình nghiên cứu khoa học để triển khai thực hiện trong các KBTB. Có cơ chế khuyến khích Ban quản lý các KBTB, VQG có hợp phần biển, tổ chức, cá nhân thực hiện các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng để phục vụ cho công tác bảo tồn.
Triển khai nhiệm vụ điều tra, đánh giá xu thế biến động ĐDSH trong các KBTB, VQG có hợp phần biển, đặc biệt là đối với những loài nguy cấp, quý, hiếm làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn.
Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, nhân rộng công nghệ nuôi cấy nhân tạo, phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển và thả rạn nhân tạo.
Xây dựng mô hình xã hội hóa trong công tác bảo tồn biển nhằm huy động nguồn lực để phục hồi, bảo vệ các hệ sinh thái biển, phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB.
Xây dựng, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu ĐDSH bảo tồn biển làm cơ sở giám sát, đánh giá biến động ĐDSH, chất lượng các hệ sinh thái biển, hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH biển.
Về đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức
Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân sự làm công tác bảo tồn biển để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về bảo tồn biển cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học. Đào tạo, tập huấn nhân sự làm công tác bảo tồn biển có trình độ chuyên môn cao phù hợp yêu cầu thực tế (hiện nay Tổng cục Thủy sản đang tham mưu Bộ xây dựng Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương).
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân sống trong và xung quanh KBTB; thiết lập mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ giữa BQL KBTB với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để bảo đảm sự đồng thuận, hỗ trợ công tác bảo tồn được hiệu quả hơn.
Thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn biển
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn biển nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực về kỹ thuật và tài chính cho các KBTB; Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng, đề xuất các dự án tài trợ về bảo tồn biển, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã và bảo tồn các hệ sinh thái biển tại Việt Nam.
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các điều ước, cam kết quốc tế và khu vực về bảo tồn ĐDSH biển mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về quản lý ĐDSH, tài nguyên, môi trường biển. Tích cực tham gia các hội thảo, diễn đàn, hội nghị chuyên đề quốc tế về quản lý KBTB, ĐDSH biển.
Thu Hiền